Trang thông tin điện tử tổng hợp
NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG ĐỀ KHÁNG CHO TÔM, CÁ TỪ DINH DƯỠNG

3/9/2023 - 11:31 AM
Việc tăng cường bổ sung dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng ở thủy sản là vô cùng quan trọng. Bởi, tăng sức đề kháng là tiền đề giúp vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt để tôm cá chống lại stress, dịch bệnh, cho vụ nuôi thành công.

Vitamin C

 

Vì tôm cá không có khả năng tổng hợp Vitamin C nên nhất định phải bổ sung vào thức ăn. Có 2 cách để bổ sung Vitamin C cho tôm cá: trộn vào thức ăn và tạt vào nước. Tuy nhiên, là vitamin tan trong nước nên khi tạt Vitamin C vào nước sẽ bị thất thoát, hao hụt nhiều. Để làm giảm sự hòa tan của Vitamin C trong nước, người ta thường dùng ethylcellulose hoặc dầu để bao lấy các hạt Vitamin C thành thể Vitamin C vi bọc, khi đó sẽ giảm hao hụt. Liều lượng sử dụng là 50 - 60 mg/kg thức ăn/ngày.

Trộn Vitamin C vào thức ăn cho ăn: Bổ sung định kỳ: 3 - 5 g/kg thức ăn, cho ăn 1 - 2 lần/ngày. Khi thời tiết thay đổi: cho ăn 5 - 7 g/kg thức ăn, cho ăn 1 - 2 lần/ngày. Hòa tan với nước tạt bổ sung vào ao nuôi với liều lượng: 1 kg/2.000 m3. Thời điểm cho ăn tốt nhất: Vào mùa hè cho ăn vào buổi sáng, mùa đông cho cá ăn vào buổi chiều vì lúc này nhiệt độ nước ao cao cá ăn nhiều hơn.

 

Men vi sinh

 

Bổ sung men vi sinh Probiotic: Là một chế phẩm sinh học probiotic và enzyme tổng hợp ở dạng bột, dùng để tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột. Giúp tôm, cá tiêu hóa tốt, tăng trưởng nhanh; ổn định khu hệ vi sinh vật đường ruột có lợi, tiêu diệt các vi sinh vật có hại, giúp phòng chống hữu hiệu bệnh đường tiêu hóa. Tôm, cá có tỷ lệ sống cao, sức khỏe tốt, tăng sức đề kháng. Liều lượng sử dụng: trộn 0,5 - 1 g/kg thức ăn, cho cá ăn trong suốt vụ nuôi. Các giống vi sinh vật được sử dụng phổ biến là: Lactobacillus sp, Bacillus sp, Enterococcus, Saccharomyces… Tuy nhiên, mỗi giống vi sinh vật sẽ có công dụng, vật chủ và cách dùng khác nhau, do đó việc sử dụng đúng là lựa chọn loại probiotics phù hợp với công dụng của từng chủng vi sinh.

 

 

Chế phẩm sinh học (probiotics) được dùng nhằm giảm sử dụng kháng sinh trong thủy sản. Ảnh: ĐHCT

 

Beta Glucan

 

Hiện, các hợp chất β-glucan được sử dụng trong NTTS như là một chất kích thích miễn dịch (immunostimulant) đối với tôm, cá nuôi. β-glucan có tác dụng tăng cường sức đề kháng, chống lại dịch bệnh gây ra bởi các nhóm vi khuẩn gây bệnh, thậm chí ngăn chặn tác động của virus đốm trắng (WSSV) trên tôm. Các hợp chất chiết xuất từ β-glucan thường được dùng cho tôm qua đường ăn. Cách sử dụng: Tôm được ngâm trong môi trường có liều lượng β-glucan 300 - 500 mg/l có tác dụng tăng cường sức đề kháng sau 2 - 5 giờ ngâm. Tiêm 10 - 20 µg/g tôm có tác dụng kích thích hệ miễn dịch sau 48 giờ.  Cho ăn 0,5 - 2 g/kg thức ăn có tác dụng làm tăng sức đề kháng sau 7 ngày cho ăn.

 

Lòng đỏ trứng gà

 

Trong những năm gần đây, kháng thể lòng đỏ trứng gà (IgY) có nhiều ưu điểm như sự ổn định, an toàn, tiết kiệm và nồng độ cao nên được nhiều người quan tâm. Ở động vật thủy sản, IgY đã được chứng minh là bảo vệ hiệu quả các loài thủy sản khỏi các vi khuẩn gây bệnh khác nhau. Có thể kể đến như Edwards, Yersinia ruckeri, Aeromonas hydrophila và Vibrio alginolyticus. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã chứng minh lòng đỏ trứng gà có tác dụng diệt vi khuẩn Vibrio harveyi và Vibrio parahaemolyticus trên TTCT.

 

Nucleotides

 

Nucleotides chủ yếu được chiết xuất từ ​​bên trong tế bào nấm men. Các thí nghiệm gần đây đã chỉ ra rằng bổ sung nucleotide trong chế độ ăn uống có thể hỗ trợ tăng trưởng tối ưu và tăng cường chức năng của các tế bào trao đổi chất. Nucleotides đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của động vật trong giai đoạn đầu bởi sự tăng trưởng nhanh và sự nhân lên của tế bào; trong việc tăng cường sức đề kháng bệnh và khả năng chịu đựng stress; trong việc hỗ trợ và thúc đẩy miễn dịch không đặc hiệu và miễn dịch đặc hiệu; trong sinh tổng hợp các axit amin không thiết yếu. Thức ăn có nucleotide cũng cải thiện hiệu quả tiêu hóa, hấp thụ dưỡng chất, hiệu suất sinh sản bao gồm đường kính trứng, sức sinh sản tuyệt đối và thời gian hiệu ứng.

 

Sử dụng thảo dược tự nhiên

 

Sử dụng thảo dược cũng được coi là một trong những loại thuốc kích thích miễn dịch tiết kiệm và hiệu quả nhất. Người ta nhận thấy rằng nhiều hợp chất có nguồn gốc từ thực vật có tác dụng kích thích miễn dịch rõ ràng trên tôm cá nuôi. Một số thảo dược đã được nghiên cứu như nghệ, cây cỏ gà, me rừng, chè xanh, gừng hay cỏ mực, dạ hoa, sầu đâu… chúng cũng được chứng minh là chất kích thích miễn dịch hữu hiệu cho tôm cá ở các nước châu Á. Trong đó, tỏi được biết đến như một loại kháng sinh tự nhiên mạnh giúp động vật thủy sản kháng lại các loại vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng, virus, tăng hệ miễn dịch cho động vật thủy sản: tôm, cá, lươn, baba… Sử dụng tỏi để phòng và điều trị bệnh giúp đạt năng suất cao, hạn chế sử dụng các loại thuốc kháng sinh và hạn chế hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn. Việc ứng dụng loại thảo dược này giúp đáp ứng được tiêu chuẩn của người tiêu dùng: sản phẩm an toàn, chất lượng.

 

 

Theo Thủy sản Việt Nam.