Trang thông tin điện tử tổng hợp
CHĂN NUÔI GIA CẦM

ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH ĐAU MẮT Ở GÀ

7/3/2023 - 1:42 PM
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra việc gà bị đau mắt, mờ mắt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quan sát của gà cũng như các hoạt động khác. Việc phát hiện sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động cho gà là vô cùng quan trọng.

Nguyên nhân

 

Gà bị đau mắt, mờ mắt có rất nhiều nguyên nhân gây ra bao gồm: Do vi khuẩn, virus, nấm, thương tật, chuồng trại và môi trường sống. Trong đó, tất cả bệnh về mắt yếu tố đầu tiên cần nghĩ đến đó là vấn đề vệ sinh.

 

Phương pháp điều trị

 

Tùy theo bệnh hoặc mức độ nặng nhẹ của bệnh sẽ có những cách giải quyết khác nhau. Ðiều cần làm là cố gắng phát hiện ra bệnh một cách sớm nhất. Bệnh càng nhẹ càng dễ điều trị. Ðể bệnh nặng thì tỷ lệ phục hồi sẽ không được 100% nữa.

 

Sử dụng thuốc: Khi gà đang mắc bệnh ở giai đoạn nặng, cần nhanh chóng can thiệp thuốc. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh sẽ có những loại thuốc trị hợp lý.

 

Bổ sung dinh dưỡng: Khi gà bị đau mắt lâu ngày sức khỏe của gà cũng sẽ giảm sút và yếu đi nhiều. Nên ngoài việc điều trị bằng thuốc nên kết hợp với việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng trong thức ăn cho gà. Ở giai đoạn này sức đề kháng của gà đang yếu nên việc quan trọng cần thiết nhất là bổ sung các vitamin cho gà. Tiến hành trộn cùng vào với thức ăn của gà. Vitamin C nên hòa chung vào với nước để gà uống hàng ngày. Chế độ ăn uống này cần duy trì trong khoảng 1 tuần đến khi mắt gà bớt đau, sức khỏe phục hồi.

 

 

Gà bị đau mắt lâu ngày sức khỏe cũng sẽ giảm sút. Ảnh: Cluckin

 

Phòng bệnh

 

Chọn giống: Chọn gà giống có sức đề kháng cao, nơi cung cấp vật nuôi uy tín để mua được giống chuẩn. Ngoài ra việc chọn giống gà cần cân nhắc theo đặc điểm địa hình và thời tiết.

 

Tiêm phòng vaccine theo đúng lịch: Khi gà được khoảng 1 tuần tuổi tiến hành nhỏ vaccine Lasota vào mắt và mũi cho gà. Khi gà được 14 ngày tuổi là thời điểm thích hợp để dùng vaccine Gum A và vaccine đậu gà. Tiến hành nhỏ trực tiếp vào mắt cho gà theo đúng theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì của thuốc. Ðến khi gà được 22 ngày tuổi cần phải tiến hành nhỏ lại lần 2 vaccine Lasota. Việc nhỏ vaccine lần 2 này là bắt buộc và cần thiết nếu không muốn lần nhỏ đầu tiên bị vô tác dụng.

 

 

Dinh dưỡng: Thường xuyên trộn các loại Vitamin C, B, D, A vào thức ăn cũng như nước uống của gà. Máng đựng thức ăn, máng uống phải rửa sạch hàng ngày. Riêng máng ăn phải làm khô trước khi cho thức ăn mới vào. Thức ăn cũ cần phải được cạo sạch và vứt bỏ chứ không được tận dụng cho gà ăn. Máng đựng nước cần thay mỗi ngày 2 lần.

 

Môi trường nuôi: Một môi trường tốt, sạch sẽ và thoáng đãng là tiền đề trong việc đảm bảo sức khỏe cho đàn gà. Môi trường sống không đảm bảo thường sẽ bắt nguồn từ lượng thức ăn thừa bị ôi thiu, ẩm mốc, miếng lót chuồng lâu ngày không được thay. Ðây chính là những nguy cơ tiềm ẩn rất nhiều loại nấm, virus, vi khuẩn có hại gây bệnh cho đàn gà.

 

Cho gà hứng ánh nắng vào buổi sáng: Mỗi ngày vào buổi sáng cần kéo hết những tấm rèm che chuồng lên để ánh sáng vào buổi sớm có thể chiếu vào trong chuồng. Ðây là cách tận dụng khử khuẩn theo hướng tự nhiên, hiệu quả lại cao. Việc làm này sẽ giúp gà hấp thụ được Vitamin D giúp xương gà chắc khỏe. Ðồng thời, ánh nắng mặt trời chiếu vào chuồng sẽ tiêu diệt làm chết những vi khuẩn, nấm mốc.

 

 

 

Quét dọn chuồng trại: Việc làm này cần được diễn ra hàng ngày. Trong và ngoài chuồng cần đảm bảo sạch, thoáng mát, tránh tạo môi trường cho ruồi muỗi phát triển. Hệ thống thoát nước trong chuồng phải đảm bảo độ thoát nước nhanh chóng. Tuyệt đối không để tình trạng ẩm ướt qua ngày sẽ phát sinh rất nhiều vi khuẩn có hại.

 

Phun khử trùng chuồng trại: Tiến hành phun mỗi tuần 1 lần tùy vào điều kiện thời tiết. Nếu thời tiết mưa, ẩm nồm thì nên phun với số lượng nhiều hơn.

Hàng ngày cần quan sát đàn gà để nhanh chóng phát hiện ra gà bệnh để có biện pháp cách ly và xử lý kịp thời.

 

 

Theo Tạp chí Gia cầm.