Trang thông tin điện tử tổng hợp
CHĂN NUÔI GIA CẦM

PHÒNG TRỊ BỆNH VIÊM MŨI KHÍ QUẢN GIA CẦM (PHẦN 1)

11/23/2022 - 4:18 PM
Bệnh sưng phù đầu (Avian RhinoTracheitis - ART) thực chất là bệnh viêm mũi - khí quản mới của đường hô hấp nhưng các biểu hiện và bệnh tích lại tập trung ở vùng đầu là chính, vì thế mới có tên là bệnh sưng phù đầu do APV.

Giới thiệu bệnh

 

Bệnh sưng phù đầu (Avian RhinoTracheitis - ART) thực chất là bệnh viêm mũi - khí quản mới của đường hô hấp nhưng các biểu hiện và bệnh tích lại tập trung ở vùng đầu là chính, vì thế mới có tên là bệnh sưng phù đầu do APV. APV là tên viết tắt của một loại Avian Pneumovirus thuộc dưới họ (Sulfamily) Pneumoviridae, chi Paramyxoviridae và chia làm 2 nhánh: Nhánh Pneumovirus gây bệnh hô hấp ở động vật có vú thường hình thành các thể hợp bào và nhánh Metapneumovirus gây bệnh đường hô hấp ở gà và gia cầm với tên gọi Avian Metapneumovirus (AMPV) nhưng tên thường dùng là APV không hình thành các thể hợp bào. Ngày nay APV được biết rõ là một nhóm virus gây bệnh ở nhiều loài gia cầm khác nhau:

 

- Ở gà tây, APV gây viêm mũi khí quản với tên thường dùng là Turkey Rhinotracheitis viết tắt là TRT.

 

- Ở gà và các loài gia cầm khác, bệnh viêm mũi khí quản do APV được gọi là Avian Rhinotracheitis (ART) và thường bị bội nhiễm với E.coli để hình thành ra Hội chứng sưng phù đầu Swollen Head Syndrome (SHS). Bệnh phổ biến nhất ở gà và đang trở thành mối nguy gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi.

 

 

Ảnh 1: Viêm mắt, chảy nước mắt luôn lẫn nhiều bọt khí.

 

Thiệt hại kinh tế

 

Trên thế giới, các thông báo của Lipkind, M. and Shihmanter (1986), của Cook, J.K năm 2020 và của nhiều tác giả khác… cho biết, tỷ lệ mắc bệnh do APV ở gia cầm là 100%. Tỷ lệ chết dao động 0,4 - 50% phụ thuộc vào điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng. Tỷ lệ đẻ giảm trên 70%. Ở Việt Nam, các kết quả nghiên cứu của Lê Văn Năm và cộng sự trong 2 năm 2019 - 2020 về bệnh ART do APV gây ra tại các vùng chăn nuôi gà trọng điểm ở miền Bắc nước ta cho thấy:

 

- 80,3% số đàn gà nuôi thả hoặc vừa thả vừa nhốt và 86,66% số đàn gà nuôi nhốt không được sử dụng vaccine đã mắc bệnh ART do APV;

 

- Bệnh có thể xuất hiện ở gà mọi lứa tuổi và tỷ lệ mắc bệnh lên đến 100% số gà có mặt trong đàn;

 

- Tỷ lệ chết (nếu không được điều trị) 77,7%;

 

- Tỷ lệ giảm đẻ 73%;

 

- Năng suất thịt giảm 32%.

 

 

Về khả năng APV lây bệnh cho người: Mặc dù bệnh do APV xuất hiện trên diện rộng ở mọi đối tượng gia cầm, nhưng cho đến nay chưa có bất cứ công bố khoa học nào bệnh này lây sang người. Nói cách khác, bệnh ART do APV ở gia cầm không lây sang người nuôi và không có khả năng gây bệnh cho người tiêu dùng và sản phẩm từ gia cầm.

 

 

Ảnh 2: Viêm kết mạc mắt, chảy nước mắt luôn lẫn nhiều bọt khí.

 

Ðặc điểm dịch tễ

 

- Mặc dù bệnh lây lan rất nhanh, nhưng chủ yếu lây qua tiếp xúc trực tiếp, qua đường hô hấp hoặc qua đường miệng (ăn/uống).

 

- Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng đến nay chưa có bất cứ công bố khoa học nào chứng minh bệnh có thể truyền dọc từ mẹ sang con.

 

- Bệnh mang tính lưu cữu cục bộ và nặng nề hơn ở những cơ sở chăn nuôi nhiều loại gia cầm, nhiều lứa tuổi gia cầm khác nhau trong cùng khoảng thời gian nuôi và nhất là điều kiện vệ sinh chăn nuôi không đảm bảo.

 

- Thời gian ủ bệnh rất khác nhau phụ thuộc vào độc lực của chủng APV.

 

- Mức độ nặng nhẹ của bệnh phụ thuộc rất nhiều yếu tố, không chỉ có độ độc lực của APV mà còn phụ thuộc rất lớn vào điều kiện vệ sinh chăn nuôi, kỹ thuật chăm sóc và đặc biệt là tiểu khí hậu chuồng nuôi. Vì thế bệnh không mang tính mùa vụ.

 

Triệu chứng

 

Thời kỳ ủ bệnh phụ thuộc vào chủng APV từ 1 - 14 ngày nhưng cũng có đàn mắc bệnh sau 21 ngày lây nhiễm. Căn cứ vào độc lực của virus gây bệnh cũng như điều kiện vệ sinh chăn nuôi để phát bệnh, người ta chia bệnh thành 3 thể.

 

Thể cấp tính: Trong các loại gia cầm thì gà tây là mẫn cảm nhất, tiếp theo sau là gà và họ gà nuôi tập trung công nghiệp. Sau thời kỳ ủ bệnh, bệnh bùng phát đột ngột, bất ngờ với các triệu chứng của bệnh khởi phát như sau:

 

Ðối với gà đang phát triển: Hắt hơi, sổ mũi, lắc đầu, vảy mỏ; Ngứa mắt nên gà hay lấy chân gãi lên mí mắt, động tác này giống như ở bệnh sổ mũi truyền nhiễm (IC); Chảy nước mắt nước mũi, nước mắt và nước mũi luôn lẫn bọt khí là triệu chứng điển hình ở giai đoạn đầu của bệnh; Gà bị run đầu, tỏ ra mệt mỏi, buồn ngủ và giảm ăn. Bệnh lây lan rất nhanh sang những gà khác và nặng dần lên với các biểu hiện:

 

- Thở nhanh, thở khó kèm theo tiếng ran rít sâu trong khí quản nghe rất rõ. Gà ngạt thở nếu dịch tiết trong khí quản bị cazein hóa và không thoát được ra ngoài.

 

- Mặt gà bắt đầu sưng, mí mắt viêm sưng mọng, mắt gà híp lại.

 

- Kết mạc mắt bị viêm hoại tử dính và viêm tạo bọt. Ðây là dấu hiệu đặc trưng của sưng phù đầu do APV.

 

- Cũng do viêm kết mạc, nếu không được điều trị kịp thời quá trình viêm sẽ ăn sâu vào con ngươi gây mù mắt. Lúc đầu chỉ thấy một bên mắt, sau đó thấy cả hai bên bị viêm sưng thối và mù cả hai mắt.

 

 

- Do mù mắt gà không tự kiếm được thức ăn, nước uống nên gầy dần và chết do suy nhược và khát. Tỷ lệ chết trên thế giới là 0,4% đến trên 50%; Ở Việt Nam 77,7% tùy thuộc vào độc lực của virus APV, điều kiện vệ sinh chăn nuôi và thời điểm can thiệp điều trị.

 

 

Ảnh 3: Phù nề đầu, thối mù mắt.

 

Ðối với gà đẻ: Các giai đoạn phát triển bệnh ở gia cầm sinh sản hoàn toàn như gà đang lớn. Nhưng luôn kèm theo các dấu hiệu giảm đẻ, có nhiều trứng với kích thước khác nhau, vỏ mềm, trứng non và dị dạng. Tỷ lệ giảm đẻ cũng dao động trong khoảng rất lớn: Trên thế giới là từ 25% đến hơn 70%; ở Việt Nam, các kết quả nghiên cứu của Lê Văn Năm và cộng sự đã cho thấy tỷ lệ này là 73%. Và kéo theo là giảm số lượng trứng đạt tiêu chuẩn trứng ấp, giảm tỷ lệ phôi, tăng tỷ lệ chết phôi, chết tắc và giảm đáng kể tỷ lệ nở…

 

Thể dưới cấp tính: Ðây là thể bệnh do các chủng APV có độc lực trung bình và thường xuất hiện trong các trang trại được quản lý chăn nuôi tốt, điều kiện vệ sinh chăn nuôi, thú y đảm bảo; Các chỉ tiêu về nhiệt độ, ẩm độ, các khí độc (NH3, H2S, CO2…), ánh sáng, gió và độ thông thoáng được kiểm soát chặt chẽ. Thể dưới cấp cũng có thể là kết quả của việc chuyển từ thể cấp tính sang. Vì vậy mọi biểu hiện bệnh ở thể dưới cấp đều được quan sát thấy ở thể cấp, nhưng so về mức độ biểu hiện thì nhẹ hơn. Tuy nhiên, bệnh ở thể này thường bị ghép với các vi khuẩn cơ hội như E.coli, Hemophillus, Mycoplasma, ORT… hơn là thể cấp.

 

Thể mãn tính hoặc mang trùng: Thông thường thể mãn tính mang trùng là kết quả của việc điều trị thể cấp và dưới cấp không dứt điểm và sau điều trị căn nguyên APV vẫn nằm trong cơ thể gà một thời gian khá dài đến khi gặp các yếu tố stress gây hại, sức khỏe gia cầm giảm sút thì bệnh lại tái phát. Bệnh phát ra không dữ dội, lây lan chậm và chỉ có số ít gà mắc bệnh. Các triệu chứng chủ yếu vẫn bao gồm: Ngứa mắt (gà lấy chân gãi mí mắt), chảy nước mắt, nước mũi nhưng nước mắt và nước mũi luôn lẫn bọt; Mí mắt sưng mọng, mù mắt; Gà khó thở kèm theo tiếng rít ran trong khí quản, hay lắc đầu khạc đờm…; Ở gà đẻ, thêm biểu hiện giảm đẻ từ từ…

 

 

 

 Theo Tạp chí Gia cầm.